Thân thế và sự nghiệp Lê Hoằng Mưu

Ông sinh năm Kỷ Mão (1879) trong một gia đình làm nông khá giả tại làng Cái Cối, tổng Bảo Hựu, tỉnh Bến Tre (nay xã Mỹ Thạnh An, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre).

Cha ông là Lê Văn Dinh, nguyên là thông ngôn ở Đề hình[2]. Ban đầu, ông học ở Bến Tre, sau học ở Sài Gòn[3], rồi gia nhập làng văn, làng báo ở Sài Gòn cho đến cuối đời.

Ông nổi tiếng trong làng báo Sài Gòn từ những năm 1910-1915, và là một trong số các cây bút tiểu thuyết thuộc giai đoạn phôi thai ở Nam Kỳ. Năm 1921, khi tờ Nam Trung nhật báo sáp nhập với tờ Lục tỉnh tân văn, ông được cử làm Chủ bút cho đến 1930, thì bị buộc thôi chức vì tờ báo có khuynh hướng yêu nước bài Pháp. Cùng năm này, ông cùng Võ Thành Út sáng lập tờ Long Giang độc lập (xuất bản mỗi tuần 3 số) do Lưu Công Châu làm chủ bút. Đến năm 1931, tờ báo bị nhà cầm quyền ra lệnh đình bản một thời gian, sau được tục bản cho đến ngày 11 tháng 5 năm 1934 thì bị đình bản hẳn. Ngoài ra, ông là trợ bút của các tờ Điện Tín, Thần chung, Đuốc nhà Nam...[4]

Năm Tân Tỵ (1941), ông mất tại Sài Gòn, thọ 62 tuổi.